Trưng bày cổ vật từ tàu đắm Cù Lao Chàm: Phát huy vẻ đẹp gốm Chu Đậu
VHO - Các hiện vật gốm sứ được khai quật từ con tàu cổ bị đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam và Bảo tàng Hội An (Quảng Nam) đã được bảo tồn, phát huy giá trị rất hiệu quả thời gian qua.
Các hiện vật tại Phòng trưng bày “Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” ở Bảo tàng Hội An
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Quảng Nam tổ chức trưng bày chuyên đề Gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm với khoảng 190 hiện vật phong phú về loại hình, kiểu dáng, họa tiết, đề tài trang trí, phương pháp tạo hình. Trưng bày diễn ra từ nay cho đến ngày 26.2, là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024) và chào đón Xuân Giáp Thìn 2024; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong hệ thống Bảo tàng nói chung, Bảo tàng Quảng Nam nói riêng, thu hút khách tham quan và từng bước đưa Bảo tàng đến gần hơn với công chúng…
Lan tỏa vẻ đẹp cổ vật
Hiện vật gốm Chu Đậu khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam rất đa dạng, gồm nhiều loại hình. Khoảng 190 hiện vật được lựa chọn trưng bày vào dịp này đã giúp người xem hình dung, hiểu hơn về kỹ thuật làm gốm và sự tài hoa của người thợ thủ công xưa đã mang lại vẻ đẹp đặc trưng của hiện vật gốm Chu Đậu.
Các hiện vật gốm được trang trí chủ yếu bằng các hình thức vẽ, khắc, đắp nổi kết hợp chạm thủng, thể hiện hài hòa, tinh xảo, được tráng hoặc trang trí nhiều loại men khác nhau, phổ biến là các loại gốm men trắng, gốm hoa lam, gốm men ngọc, men nâu, xanh lục, vàng nhạt, men rạn và men tam thái.
Những họa tiết, hoa văn chủ yếu trên dòng gốm này được thể hiện tinh tế, mềm mại, cân đối, hài hòa với các đồ án trang trí hoa sen, cúc, đào; cây cỏ, chim, cá; cảnh thiên nhiên, làng quê; hoạt động thường nhật của con người như hình người đội nón, người câu cá trên sông... tất cả đều mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Theo Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, hình tượng rồng được thể hiện khá phổ biến trên đồ gốm thời Lê sơ thế kỷ XV với hình rồng 5 móng, biểu tượng của vương quyền. Cũng có đồ sứ vẽ hình rồng 4 móng, là đồ vật được chế tác để nhà Vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc những người được đặc biệt ưu ái khác. Nhiều hiện vật gốm Chu Đậu khai quật từ tàu đắm Cù Lao Chàm trang trí hoa văn hình rồng với kỹ thuật khác nhau như ấm, âu, lọ, đĩa tạo dáng và vẽ lam hình rồng; bát, chén gốm men trắng in hoa văn hình rồng... Những phát hiện về đồ gốm trang trí rồng trong Sưu tập gốm tàu đắm Cù Lao Chàm cho thấy các loại hình gốm men cao cấp, gốm ngự dụng không chỉ được sử dụng ở cung đình, hoàng tộc như Hoàng thành Thăng Long, Lam Kinh mà còn là sản phẩm thương mại sử dụng xuất khẩu ra thế giới ở thời Lê sơ.
Trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm” diễn ra tại Bảo tàng Quảng Nam từ đây đến ngày 26.2 Ảnh: BTQN
Phát huy hiệu quả cổ vật gốm sứ Chu Đậu
Trưng bày chuyên đề về Cổ vật gốm Chu Đậu từ tàu đắm Cù Lao Chàm giúp người xem hình dung được sự phát triển mạnh mẽ của đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế, cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm - Hội An trên tuyến đường hàng hải nhiều thế kỷ trước.
Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam cũng đã chia sẻ, chuyển giao hàng trăm hiện vật được khai quật từ di tích tàu đắm cổ Cù Lao Chàm cho UBND TP Hội An. Bên cạnh đó, hỗ trợ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An xử lý, tẩy rửa muối các hiện vật này bằng các giải pháp chuyên ngành để bảo quản, trưng bày… Gần đây nhất, cuối năm 2022, TP Hội An đã khai trương phòng trưng bày Gốm Chu Đậu - Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm tại Bảo tàng Hội An, lần đầu tiên giới thiệu hơn 120 hiện vật tiêu biểu nhất mà Bảo tàng Quảng Nam chuyển giao đến công chúng. Số cổ vật có niên đại vào thế kỷ XV, thuộc nhiều chủng loại: Chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình, tước… Đây là kết quả của quá trình tiếp nhận, tổ chức bảo quản, xử lý, kiểm kê, nghiên cứu và phát huy giá trị cổ vật từ dự án Khai quật, khảo cổ di tích tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm do Bộ Văn hóa - Thông tin (trước đây), Công ty Saga (Malaysia), Công ty Visal (Bộ GTVT) và Trường Đại học Oxford (Anh) phối hợp triển khai từ năm 1997-1999.
Sau khi dự án kết thúc, năm 2000, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã chuyển giao cho UBND TP Hội An 500 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ này. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, ngay sau khi tiếp nhận, UBND TP Hội An đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm quản lý và phát huy số hiện vật nói trên cùng với gần 5.000 hiện vật khác được các cơ quan chức năng thu giữ từ các tàu cá trục vớt trái phép tại khu vực tàu đắm cổ. Phần lớn số hiện vật đều không còn nguyên vẹn, đa số bị sứt mẻ và rất nhiều trong số đó chỉ là những mảnh vỡ.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm đã tổ chức quản lý, thực hiện quy trình chuyên môn nghiệp vụ như đăng ký kiểm kê, bảo quản; xây dựng hồ sơ khoa học để đánh giá hằng năm. Đồng thời, lựa chọn một số loại hình hiện vật để trưng bày, bổ sung tại Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch Hội An, bước đầu phát huy giá trị, được đông đảo công chúng đón nhận; góp phần tạo thêm sức hấp dẫn để thiết chế văn hóa này trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình tham quan, học tập, nghiên cứu các điểm bảo tàng, di tích tại Hội An của du khách gần xa.
Cuối năm 2021, qua quá trình quản lý, kiểm kê, Trung tâm nhận thấy tình trạng bảo tồn không tốt của số hiện vật gốm Chu Đậu và đã có văn bản kiến nghị UBND TP Hội An trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu chuyển giao thêm một số hiện vật nguyên vẹn, có giá trị cao hơn để làm phong phú thêm bộ sưu tập cũng như hệ thống trưng bày, phát huy gốm Chu Đậu. Trên cơ sở đó, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã chuyển giao tiếp 103 hiện vật gốm Chu Đậu được khai quật từ di tích tàu đắm cổ ở Cù Lao Chàm có tình trạng bảo tồn nguyên vẹn, đã có số kiểm kê, cùng với 40 hiện vật vỡ và 3 mảnh vỡ đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh về Trung tâm QLBTDSVH Hội An để bảo quản và phát huy lâu dài.
Với sự hỗ trợ các giải pháp chuyên ngành từ Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Trung tâm đã triển khai xây dựng hồ sơ, nghiên cứu, tuyển chọn những hiện vật tiêu biểu, ra mắt Phòng trưng bày chuyên đề về gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Hội An năm 2022. Theo Phòng Bảo tàng, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong năm 2023, đơn vị đã lập hồ sơ 80 hiện vật gốm Chu Đậu (tiếp nhận từ Bảo tàng tỉnh), in 143 phiếu hiện vật, ghi thông tin 143 bìa hồ sơ hiện vật gốm Chu Đậu; chỉnh lý, phân loại các loại hình hộp, lọ gốm tàu đắm Cù Lao Chàm; phân loại, chọn lựa các hiện vật gốm tàu đắm (do UBND TP bàn giao trước đây) để lập hồ sơ…
KHÁNH CHI